Đây là những lý do khiến bạn chưa thực hiện quản lý tài chính cá nhân

Năm 2015, trong chương trình khảo sát mức hiểu biết tài chính toàn cầu của tổ chức S&P, chỉ có 24% người Việt Nam có hiểu biết về tài chính. Theo vietnambiz.vn – một trang web chuyên về thuật ngữ tài chính, hiểu biết tài chính là giáo dục và sự am hiểu về các lĩnh vực tài chính khác nhau, bao gồm các chủ đề liên quan đến quản lý tài chính cá nhân, tiền bạc và đầu tư.

Hiện tại vẫn chưa có con số cập nhật mới nhưng chắc chắn, tỷ lệ người Việt Nam có hiểu biết tài chính đã tăng lên. Dù vậy, tôi chắc là không nhiều, trong đó có tỷ lệ am kiểu kiến thức về tài chính cá nhân.

Bài viết này trên quan điểm nghiên cứu và khảo sát của cá nhân, tôi sẽ đưa ra những lý do vì sao có rất nhiều người trưởng thành chưa chịu tiếp cận sâu kiến thức quản lý tài chính cá nhân hoặc chưa chịu thực hiện quản lý tài chính cá của mình dù đã có hiểu biết cơ bản về nó.

1. Quản lý tài chính cá nhân có thật sự quan trọng không?

Nhiều người có kiến thức về tài chính cá nhân nhưng vẫn còn nghi ngờ kết quả của việc quản lý tài chính cá nhân có thần thánh như những bài viết trên các trang thông tin tài chính, blog tài chính hay không.

Họ không tin hoặc chưa tin và họ chưa thực hiện quản lý tài chính cá nhân. Hoặc là họ không thay đổi thói quen sử dụng tiền từ trước đến nay của họ.

Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi, một bộ sách của tác giả Andrew Matthews rất nổi tiếng về tư duy tích cực đã viết vậy. Bộ sách đã được bán trên 3 triệu bản bằng 23 thứ tiếng ở 60 quốc gia trên trên toàn thế giới. Và tôi nghĩ, nếu bạn không thay đổi, 10 năm nữa bạn vẫn vậy, thậm chí còn tệ hơn ở nhiều lĩnh vực của cuộc sống, chứ không riêng gì tiền bạc.

2. Tôi không có tiền!

Đây là lý do của rất nhiều người trưởng thành. Tôi chắc vậy bởi thủ nhập bình bình quân của người Việt Nam đến năm 2020 là 2.750 USD/năm, quy ra tiền Việt Nam khoảng 5,3 triệu đồng/tháng. Quả thật mức thu nhập này không cao, thậm chí với nhiều người ở khu vực đô thị còn không đủ sống.

Vậy nên câu biện hộ của họ luôn là, tiền còn không đủ sống, lấy đâu ra mà quản lý!

Thực tế, vấn đề quản lý tài chính cá nhân không hề liên quan đến tiền ít hay nhiều. Điều quan trọng nhất là tính kỹ luật của việc thực hiện. Khi bạn áp dụng quản lý tài chính theo quy tắc 6 lọ tiền: Chi tiêu (50%), Tiết kiệm (10%), Giáo dục (15%), Đầu tư (10%), Thụ hưởng (10%), Cho đi (5%). Bạn hãy chia thu nhập của mình thành 6 phần như trên. Tùy theo nhu cầu và định hướng cá nhân mà tỷ lệ cho đầu tư, thụ hưởng và cho đi có thể thay đổi bù trừ cho nhau, tuy nhiên hãy giữ mức tối đa của chi tiêu và mức tối thiểu của tiết kiệm.

Hãy cố gắng thực hiện việc này liên tục từ 3 đến 6 tháng, tôi bảo đảm bạn sẽ không còn biện họ lý do này với bản thân mình nữa.

3. Tôi không có thời gian!

Tất cả chúng ta, người là chủ, làm thuê, làm tự do hay thậm chí không làm gì cũng thường than vãn không có thời gian để thực hiện quản lý tiền bạc.

Phần lớn với nhiều người, đây là lý do để họ che đậy cái hạn chế của chính bản thân họ ở phía sau. Hạn chế đó là lo sợ người khác biết rõ tình trạng tài chính của mình, lo sợ người khác biết mình không am kiểu về tài chính cá nhân.

Mỗi người chúng ta đều có 24h mỗi ngày, không ai nhiều và cũng không ai ít hơn vì đó là quy luật của vũ trụ này. Với quỹ thời gian đó, tại sao lại có nhiều người làm được và rất thành công, tại sao lại có người không làm được? Tôi nghĩ những người không làm được là do họ chưa vượt qua cái bẫy của chính bản thân mình.

Trong nhiều năm trước đây, chính tôi cũng bị vướng vào cái bẫy này. Tôi làm việc ở ngân hàng, thu nhập khá nhưng luôn trong tình trạng khánh kiệt vì tôi không biết tiết chế chi tiêu của bản thân mình, dẫn đến chi phí vượt thu nhập hàng tháng. Tôi chống đỡ, cân bằng bằng cách sử dụng thẻ tín dụng, vay tiêu dùng. Cuối cùng cũng phải chấp nhận thất bại. Đương nhiên không ai muốn để người khác biết sự thất bại của mình. Tôi cũng vậy, người khác sẽ nghĩ thế nào nếu biết tôi quản lý tài chính cá nhân kém! Tôi cũng cho rằng mình quá bận rộn và không có thời gian thực hiện quản lý tiền bạc.

Thất bại chỉ là một bước để đi đến thành công. Nhà phát minh – Nhà khoa học vĩ đại Thomas Edison từng thất bại đến 10.000 lần để chế tạo thành công bóng đèn dây tóc, lần thứ 10.001 ông đã thành công. Nếu chúng ta hiểu được triết lý này, chúng ta sẽ không còn rơi vào cái bẫy đó nữa.

Thật ra việc quản lý tài chính cá nhân không mất nhiều thời gian của chúng ta, khi đưa ra được nguyên tắc quản lý tài chính bằng 6 cái lọ tiền, mỗi ngày chúng ta chỉ cần 5 – 10 phút để thực hiện.

4. Tôi không biết học kiến thức về tài chính cá nhân ở đâu

Nhiều năm trước đây, công tác giáo dục tài chính cá nhân tại Việt Nam còn yếu. Rất nhiều người muốn tìm hiểu kiến thức nhưng không biết phải học ở đâu, tìm hiểu từ kênh nào. Tuy nhiên, hiện nay việc này là khá dễ dàng. Một số trường đại học như Đại học Ngân hàng, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia đã đưa môn này vào giảng dạy. Đây là nổ lực rất lớn nhưng đối tượng học chưa được mở rộng. Với những người không học ở các trường đại học nêu trên hoặc đã rời ghế nhà trường, họ rất ít cơ hội được tiếp cận kiến thức.

Tuy nhiên may mắn là hiện nay vẫn có nhiều trường đại học, tổ chức tài chính, câu lạc bộ kỹ năng thường xuyên tổ chức các khóa học ngắn hạn về kỹ năng quản lý tài chính cá nhân để chúng ta có thể tham gia nâng cao kiến thức.

Một kênh kiến thức nữa chính là những bài viết về kiến thức quản lý tài chính cá nhân trên các trang báo điện tử lớn của Việt Nam như vnexpress.net, vietnamnet.vn, thanhnien.com.vn, … các trang chuyên thông tin về tài chính như cafef.vn, tapchitaichinh.vn, thitruongtaichinhtiente.vn, … hay những blog về kỹ năng tài chính cá nhân, …

Các khóa học online trên các nền tảng học trực tuyết như: unica.vn, kyna.vn… chi phí một khóa học online khá rẻ, chỉ cần vài trăm nghìn là bạn có thể học suốt đời.

Hay những khóa học trực tuyến của các chuyên gia cũng là một lựa chọn.

Tạm kết

Có nhiều lý do gây cản trở bạn hỏi về kiến thức quản lý tài chính cá nhân và áp dụng những kiến thức đó vào cuộc sống để cải thiện và nâng cao tình trạng tài chính bản thân mình. Xuất phát từ khách quan và chủ quan khác nhau. Hy vọng bạn thấy bài viết này hữu ích và áp dụng cho chính bản thân mình.

Chúc bạn thành công!

Bài viết có tham khảo các nguồn:

  • www.vietnambiz.vn
  • www.thitruongtaichinhtiente.vn
  • www.tapchinganhang.gov.vn