Với tôi, tiền lẻ là một công cụ rất tốt để tôi dạy con mình biết cách chia sẻ. Từ đầu năm 2020, tôi bắt đầu thực hành thói quen tiết kiệm tiền lẻ. Theo quan điểm cá nhân, tôi định nghĩa tiền lẻ là tiền có mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng và 5.000 đồng.
Đây là cách làm của tôi:
Hàng ngày, tôi đi làm, sinh hoạt và chi tiêu cá nhân bằng các tờ tiền mệnh giá từ 10.000 đồng trở lên. Khi phát sinh tiền thừa được thối lại từ người bán hàng ở chợ, siêu thị, quán cà phê tôi đều giữ lại trong túi. Cuối ngày, sau khi ghi nhật ký chi tiêu, việc tiếp theo là tôi sẽ bỏ những tờ tiền lẻ vào hộc tủ.
Việc làm này đã được tôi thực hành hàng ngày trong khoảng thời gian hai năm trở lại đây. Mỗi tháng, số tiền lẻ tiết kiệm được tôi cộng lại bình quân khoảng 400.000 đồng. Ban đầu, việc tiết kiệm tiền lẻ mỗi ngày chỉ mình tôi thực hiện, nhưng sau một thời gian, vợ tôi và con tôi cũng thực hành theo thói quen này. Tổng số tiền cộng lại của cả gia đình cũng kha khá. Tôi đề nghị số tiền này không sử dụng mà dùng để đi giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn và hai cậu con trai của tôi khá hào hứng với việc này. Từ đó gia đình tôi thường xuyên mua đồ dùng, thức ăn để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hay ghé thăm trại trẻ mồ côi, người già neo đơn.
Trong hệ thống tài chính dành cho trẻ em mà tôi đang xây dựng bao gồm: Tiết kiệm, kiếm tiền, chi tiêu, chia sẻ, đầu tư và vay nợ, có thể nói, kỹ năng chia sẻ là một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà chúng ta cần phải trang bị cho con mình ngay khi trẻ lên 3 tuổi. Trong tâm thức của trẻ lên 3, hạt gống “chiếm hữu” đã tồn tại trước đó, nó sẽ khởi lên nếu như có điều kiện thuận lợi hoặc được khơi gợi. Ví dụ, khi trẻ được cho một món đồ chơi, trẻ luôn có khuynh hướng chiếm giữ và rất khó để để cho lại người khác. Điều này là hoàn toàn bình thường và không hề nguy hại với một đứa trẻ lên 3 bởi ý thức chưa phát triển toàn diện như người lớn. Tuy nhiên, chúng ta cần giúp trẻ chế ngự hạt giống “chiếm hữu” ấy, không cho nó phát triển thành tính cách sau này bằng cách dạy trẻ biết chia sẻ ngay từ nhỏ thông qua các hoạt động cụ thể hàng ngày.
Tạm kết
Từ một hành động nhỏ là tiết kiệm tiền lẻ hàng ngày nhưng đã mang lại hiệu quả rất cao cho việc dạy kỹ năng chia sẻ cho con trẻ. Để thực hành thói quen này được hiệu quả hơn, bạn có thể trang bị một lọ thủy tinh cỡ vừa hoặc một con heo đất xinh xắn để ngay trong phòng khách hay phòng sinh hoạt gia đình bạn. Tiền lẻ hàng ngày được bỏ vào đó. Hình ảnh trực quan này sẽ khắc sâu vào tiềm thức của trẻ hơn. Hình ảnh được ghi nhớ trong tâm thức nó như một hạt giống rất dễ nẩy mần trở thành hành động trong tương lai nếu được tưới tẩm tốt. Có câu nói rất hay: “Gieo hành động, bạn sẽ gặt thói quen, gieo thói quen sẽ gặt tính cách, gieo tính cách sẽ gặt số phận”. Hy vọng bạn có thể thực hành thói quen này và trang bị cho con mình kỹ năng chia sẻ về tiền bạc ngay khi con còn nhỏ.
Chúc bạn thành công!